Hi xin chào mọi người, chào mừng mọi người đến với chuỗi nội dung của kênh The Introvert Thinker. Mình là Hân, người sáng tạo nội dung cho bài viết này, và cho các nội dung sau nữa, nữa nữa nữa…:D.
Để dễ trao đổi từ đầu và cho các bài sau, mình xin phép được xưng hô “Hân/mình - bạn/ các bạn”.
Ở đây mình chia sẻ nội dung về những suy nghĩ hoặc những trạng thái mà hầu hết chúng ta đến giai đoạn nhất định đều sẽ trải qua, chỉ là ít hay nhiều hoặc chúng ta có để ý đến chúng hay không mà thôi.
Khởi đầu sẽ là nội dung: “Tại sao chúng ta lại mông lung?”. Let’s go!!!
Bài viết bao gồm:
1. Mông lung hay mung lung?
2. Tại sao hôm nay lại nói chủ đề này?
3. Tại sao chúng ta lại mông lung?
4. Khi mông lung thì nên làm gì?
5. Kết
1. Mông lung hay mung lung?
Uhm 1 phần nhỏ trước khi vào nội dung bài, đôi khi chúng ta sẽ nghe được 1 trong 2, có khi là cả 2 từ. Đó là mông lung (có ô) và mung lung. Vậy từ nào là đúng?
Thật ra mông lung (có ô) hay mung lung đều đúng và hầu như các bạn sẽ nghe 2 từ này nhiều trong cuộc sống. Đại ý sẽ là nói về những thứ không rõ ràng, vô định, mù mịt phía trước (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Trong bài viết này mình sẽ thống nhất sử dụng từ mông lung nha mọi người.
2. Tại sao hôm nay lại nói chủ đề này?
Mình sẽ nói nhiều hơn về nghĩa bóng của mông lung. Theo mình, chính xác hơn mông lung là trạng thái, khi mà tương lai sắp tới chúng ta không rõ sẽ đi đâu, làm gì hoặc tệ hơn không biết có gì đó cản trở chúng ta ở phía trước hay không.
Tại sao hôm nay nói chủ đề này - vì mình thấy mông lung thì ít nhất ai cũng trải qua trong cuộc sống, hoặc chí ít là có bạn khi đang đọc bài viết này cũng đang như vậy. Và theo bản năng, trước sự mông lung, vô định như vậy thì tự chúng ta sẽ sinh ra nỗi sợ, sợ những thứ mà mình không biết.
Bản thân Hân khi đang ở độ tuổi 30, cũng thường ở trong trạng thái mông lung nên hôm nay thay vì ngồi đó và sợ thì Hân quyết định cũng là ngồi đó nhưng sẽ nói về nó. Cũng xem như là 1 cách để đối diện với nỗi sợ này :D
3. Tại sao chúng ta lại mông lung?
Hân nghĩ là chúng ta dễ bị mông lung khi chưa định hướng được đường đi phía trước cho những dự dịnh của mình và cộng thêm áp lực. Ví dụ như bạn làm công sở hen, sau khi tối đi làm về và cơm nước xong xuôi, xong sẽ có lúc bạn chợt trầm ngâm, nhìn xa xăm và tự suy nghĩ rằng là với đồng lương hiện tại thì khi nào sẽ mua được 1 căn nhà khang trang hơn, hay khi nào đủ tiền thì nghĩ đến việc lập gia đình…nhiều thứ.
Bạn tự định ra cột mốc nào đó, ví dụ là khoảng sau vài năm đi làm, bạn sẽ tích lũy được 1 số tiền để phụ giúp gia đình. Xong bạn làm được chừng 2-3 năm, lúc này bạn vẫn chưa đạt được ít nhất là 30% số tiền chẳng hạn, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy stress và mông lung. Và nhiều khi bạn còn quay ra tự nghi ngờ chính mình nữa, ví dụ vậy.
Có 1 thứ mà Hân suy nghĩ được, chúng ta bị mông lung là do khi còn nhỏ, còn đi học từ cấp 1 đến cấp 3, chúng ta luôn có ba mẹ, gia đình bên cạnh che chở. Ở đây mình nói hầu hết thôi. Việc của chúng ta chỉ là ăn, ngủ, chơi và đi học, cũng có phụ ba mẹ vài việc, tuyệt nhiên vẫn đóng vai trò rất nhỏ, chưa đáng kể. Chúng ta được hoạch định sẵn việc phải làm và chưa được chuẩn bị cho những thứ lớn hơn. Và rồi dần dần qua năm tháng, chúng ta quen với lối mòn đó cho đến khi đủ 18 tuổi.
Hân lấy mốc 18 tuổi cho dễ vì lúc này chúng ta đủ tuổi để đi làm và cũng vừa học xong cấp 3, 1 cột mốc trưởng thành lần đầu. Lúc này chúng ta choáng ngợp vì ngoài kia là đại dương bao la, rộng lớn, không phải cái ao nhà của mình nữa.
Đại khái Hân muốn nói là khi đến 1 thời điểm nhất định, bạn bỗng nhiên nhận ra xung quanh mình có quá nhiều thứ phải đối mặt, từ đó phải suy nghĩ xem phải làm gì là đúng nhất, hay ít nhất là không gây ra hậu quả gì vì bên cạnh chúng ta xuất hiện áp lực vô hình…từ đó dẫn tới việc chúng ta bị mông lung.
Nếu bạn có xem phim Squid Game của Hàn Quốc trên Netflix, phân cảnh lúc phải chọn 1 trong 2 nút là ở lại để chơi tiếp, lấy tiền về trả nợ hoặc là ngay lập tức được dừng cuộc chơi để quay về cuộc sống bình thường. Mà bạn thấy đó, nhiều người họ nợ như chúa chổm, quay về nhà chẳng khác nào quay về địa ngục nên thà là họ ở lại. Sau đó chúng ta thấy đa số đều quay lại vì cuộc sống hiện tại bên ngoài quá mông lung, không biết khi nào mới có tiền trả được hết nợ.
Ở xã hội Việt Nam mình, có lẽ các bạn cũng thường hay nghe là đến 30 tuổi nếu không có ít nhất 100 triệu trong tài khoản là thất bại, hoặc là bạn tự đề ra 1 cái mốc cho bản thân là trước 30 tuổi tui phải mua được nhà hay sao đó… Cộng thêm thời buổi công nghệ, bạn mở mắt ra là thấy mọi người xung quanh làm được những thứ trong wishlist của bạn mà họ có khi là còn trẻ hơn bạn nữa. Vô hình chung sẽ tạo cho bạn rất nhiều áp lực, nên là thường gần đến 30 tuổi là giai đoạn stress kinh khủng.
Hân viết ra bài này là để bạn tự nhận thức được trạng thái mông lung của chính mình và rồi bạn sẽ tự suy nghĩ được cách thích nghi với nó. Mình dùng từ “thích nghi” vì mình nghĩ bạn sẽ tập làm quen với nó trước rồi sẽ xoay sở để thoát ra sau, khó mà thoát ra liền được.
Rồi có lúc Hân tự hỏi, người lớn họ có mông lung không? Ở độ tuổi của mình, họ lúc trước có giống mình không? Và họ giải quyết như thế nào? Bạn nghĩ sao?
4. Khi mông lung thì nên làm gì?
Theo kinh nghiệm của Hân thì làm gì làm, first thing first, cái mindset luôn là cái quan trọng cho mọi thứ. Loài người được sinh ra với bộ óc siêu phàm nên tâm lý luôn là thứ hay ho cũng như phức tạp nhất. Vì vậy Hân luôn quan niệm mindset là thứ nên chuẩn bị trước khi quyết định làm 1 việc gì đó.
Hân nghĩ ai cũng 1 lần rơi vào trạng thái này, quan trọng là cách nhìn nhận của mỗi người mỗi khác. Và khi cách nhìn nhận khác thì cách giải quyết cũng sẽ khác nhau.
Cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề rằng trước sau gì thì bạn cũng phải tiến lên phía trước, dù muốn hay không vì chúng ta có áp lực vô hình là thời gian. Thời gian có thể chữa lành nhưng cũng có thể âm thầm nghiền nát mọi thứ. Tuy nhiên, có 1 điểm khác là nếu chúng ta ý thức được sự mông lung, chúng ta sẽ cẩn thận hơn. Cẩn thận hơn khi lựa chọn, cẩn thận hơn khi cân nhắc những gì mà bạn đang có, tốt hơn sẽ là những thứ liên quan đến việc bạn sắp phải ra quyết định.
Giống như bạn đi thi toán, thoạt nhìn bạn thấy đây là 1 bài toán khó, chưa biết phải giải như thế nào. 1 là bạn có thể bỏ qua và làm bài khác, 2 là bạn chọn vận dụng hết tất cả những gì bạn được học để cố gắng phân tích bài toán đó. Hân thì luôn chọn cách số 2 vì mình không thích phải bỏ cuộc, bạn chưa thử sao bạn biết bạn không làm được, đúng hông?
Có thể bắt đầu lại từ những thứ nhỏ nhất. Cuộc sống luôn đưa ra thử thách xem ai là người có sức bật tốt hơn thì người đó sẽ thành công. Hoặc bạn có thể cân nhắc việc quay về phát triển bản thân, phát triển thêm kĩ năng, kiến thức. Biết đâu lại mở ra thêm cơ hội mới.
Giống như bạn lui về ở ẩn để luyện công sau đó tái xuất giang hồ lại vậy, lúc này bạn đã mạnh lên khá nhiều rồi, có thể đánh bại được nhiều đối thủ hơn, ví dụ vậy.
5. Kết
Biết đâu đây là trạng thái tốt, báo hiệu cho bạn rằng bạn nên tìm tòi thứ gì đó mới. Thử suy nghĩ theo nhiều góc khác nhau, biết đâu bạn sẽ tìm được hướng đi cho chính mình.
Okay và đó là những gì Hân nghĩ Hân đã chia sẻ đủ trong tập này. Đây là bài đầu tiên nên chắc chắn sẽ có những sai sót nhất định, Hân hy vọng nhận được phản hồi cũng như góp ý từ các bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc, hẹn gặp các bạn ở những bài sau.
See you later !!!
Available now on:
Youtube:
Spotify:
Instagram: The Introvert Thinker (@the.introvert.thinker) • Instagram photos and videos